Cũng giống như bất kỳ việc gì trong cuộc sống, kỹ năng làm cha mẹ đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, học tập và thực hành. Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thế giới ngày nay, kỹ năng làm cha mẹ của chúng ta trở nên quan trọng và thách thức hơn bao giờ hết. Dù con bạn ở độ tuổi nào thì cũng rất cần sự quan tâm, dạy bảo và đồng hành của bạn. Có ba yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con một cách thông thái.
1. Mọi thay đổi đều bắt đầu từ cha mẹ.
Nếu bạn muốn con bạn là một đứa trẻ thông minh và hạnh phúc, bạn cần là một bậc cha mẹ hạnh phúc và thông thái. Để có thể trở thành bác sĩ, kỹ sư, cô giáo, nhân viên văn phòng hay công nhân làm việc trong nhà máy, chúng ta đều được đào tạo trong một khoảng thời gian nhất định. Làm cha mẹ là một công việc cả đời và không dễ dàng nhưng chúng ta lại không được dạy về điều này. Chính vì thế việc quan trọng đầu tiên trong quá trình nuôi dạy con là Học, là thay đổi chính bản thân chúng ta. Nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, việc học của chúng ta trở nên dễ dàng nhưng cũng khó khăn hơn bao giờ hết. Chúng ta dễ dàng tìm thấy thông tin trên mạng internet nhưng lựa chọn học gì và như thế nào thì chúng ta nên tìm hiểu kỹ chất lượng và nguồn gốc những tài liệu mình tham khảo. Một trong những cách dễ dàng là dựa vào ý kiến của những chuyên gia trong ngành và những người có nhiều kinh nghiệm và được đánh giá cao trong xã hội.
2. Thông minh cảm xúc.
Thông minh cảm xúc có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ em trong việc học và phát triển. Thông minh cảm xúc (EI) là khả năng nhận biết, thấu hiểu và điều tiết cảm xúc của chính chúng ta và những người khác một cách hiệu quả. Giống như người lớn, trẻ em phải đối mặt với những thách thức hàng ngày: những bài tập dễ đối với các bạn có thể khó đối với chúng, chúng có thể học chăm chỉ nhưng bị điểm kém, chúng có thể cảm thấy xấu hổ về sự khác biệt về khả năng học tập của mình và ngại nhờ sự giúp đỡ…Một trong những vai trò quan trọng của EI là định hình cách trẻ phản ứng với các thử thách. EI giống như một thiết bị định vị có thể giúp trẻ em định hướng các phản ứng theo cách của riêng chúng khi gặp các trở ngại và hướng tới thành công. Nó giúp trẻ xác định độ khó của các tình huống, có cách nhìn khách quan và đưa ra các cách để giải quyết khó khăn.Điều đáng mừng là EI không bị cố định, với sự giúp đỡ của người lớn và thực hành, trẻ em có thể phát triển thông minh cảm xúc theo thời gian. Một số điều đơn giản cha mẹ có thể làm tại nhà để nuôi dưỡng thông minh cảm xúc của trẻ:
– Nói chuyện về những thách thức: hỏi trẻ cảm thấy thế nào khi con đối mặt khó khăn và đặt tên cho cảm xúc của chúng: buồn, tức giận, choáng ngợp, v.v. Sau đó hỏi trẻ tại sao lại có cảm xúc mà chúng vừa đặt tên.
– Cùng tìm cách để giải quyết vấn đề: suy nghĩ và tìm những giải pháp khác nhau để giải quyết một vấn đề. Kiểm soát cảm xúc để nghĩ ra giải pháp là một phần quan trọng của EI
– Giúp đỡ người khác: cho con bạn tham gia cùng bạn trong việc giúp đỡ những người gặp khó khăn là một cách để xây dựng sự đồng cảm, một trong những thành phần quan trọng của EI.
3. Xây dựng thói quen tốt
Cuộc sống của mỗi người về cơ bản là sự tập hợp những thói quen. Thói quen đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công, hạnh phúc, và sức khỏe của mỗi người. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng khoảng 40 – 50% những gì chúng ta làm hàng ngày là sản phẩm của thói quen. Phần lớn thói quen của chúng ta được hình thành khi còn trẻ tuổi và việc thay đổi chúng là một quá trình không dễ và chậm chạp. Giúp con hình thành những thói quen tốt và thay đổi những thói quen không tốt là một kỹ năng quan trọng của các bậc làm cha mẹ.
Một trong những phương pháp giúp con hình thành thói quen tốt đó là áp dụng mô hình hành vi được xây dựng bởi tiến sĩ BJ Fogg.
Mô hình được tóm tắt đơn giản dưới công thức B = MAP, trong đó B là Hành vi, M là Động lực, A là Khả năng và P là Sự kích thích nhắc nhở. Một hành vi chỉ xảy ra khi tất cả ba biến M,A, P có mặt cùng một lúc.
Như vậy khi chúng ta muốn xây dựng thói quen tốt cho con cần phải tác động vào cả ba yếu tố này.